Hầu như chúng ta ai cũng có vấn đề sức khỏe răng miệng. Sâu răng ở trẻ em là vấn đề nổi bật. Còn ở người lớn thì nha chu là vấn đề sức khỏe răng miệng phổ biến nhất. Và để tốt cho bạn, các nha sĩ khuyên bạn nên lấy cao răng định kỳ, bạn có biết tại sao không. Hãy cùng chúng tôi đi tìm câu trả lời ngay.
Cao răng là gì?
Cao răng (vôi răng) thực chất là những mảng bám thức ăn, các vụn thức ăn nhỏ bám trên bề mặt răng và kẽ răng lâu ngày, tạo nên những mảng bám kết dính vững chắc trên răng.
Theo nghiên cứu, mỗi 1mg mảng bám cao răng chứa đến 400 loài vi khuẩn khác nhau và hàng tỷ vi trùng sinh sôi. Các loại vi trùng hoạt động lâu ngày ở các mảng bám gây ra các bệnh lý về răng như: đau răng, viêm nướu.
Cao răng có 2 loại là cao răng thường và cao răng huyết thanh. Cao răng thường sẽ có màu trắng đục hoặc vàng nhạt, sau một thời gian bám trên bề mặt răng và nướu thì cao răng sẽ gây ra bệnh viêm nướu. Nếu không điều trị sẽ gây ra chảy máu nướu, máu sẽ ngấm vào mảng cao răng đó và chuyển sang màu nâu đỏ gọi là cao răng huyết thanh.
Tác hại của cao răng?
Cao răng gây các bệnh về nướu
Cao răng – mảng bám được hình thành từ sự tích tụ vi khuẩn và mảnh vụn thức ăn trên răng. Khi chăm sóc răng không tốt, không làm sạch cao răng định kỳ, vi khuẩn phát triển, làm kích ứng và gây nhiễm trùng ở lợi và răng. Nướu khỏe mạnh sẽ bám chắc lên chân răng, bảo vệ cho các dây thần kinh trong phần ngà chân răng nhưng khi nướu bị tổn thương răng cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phổ biến nhất, tình trạng cao răng tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến các bệnh như viêm lợi, viêm nướu với các biểu hiện: Đánh răng chảy máu, miệng có mùi hôi.
Cao răng gây hôi miệng
Hôi miệng là tình trạng hơi thở có mùi hôi, xuất phát từ trong khoang miệng. Nguyên nhân điển hình khiến hơi thở có mùi xuất phát từ việc vệ sinh răng không sạch sẽ, cao răng không được làm sạch. Rất nhiều khách hàng chỉ nhận ra vấn đề răng miệng khi phát hiện trong hơi thở có mùi. Người bị hôi miệng thường cảm thấy thiếu tự tin khi giao tiếp.
Cao răng gây sâu răng
Nếu cao răng tích tụ lâu ngày gây ra nhiễm trùng cũng có thể gây ra những tổn thương tăng dần cho răng của bạn. Từ những tác động bên ngoài, dần dần không được vệ sinh sạch gây sâu răng ở mặt nhai của răng dần dần đi vào trong, phá hủy men răng, lớp cứng bên ngoài của răng, từ đó có thể dẫn đến nhạy cảm răng. Khi bạn sử dụng các loại thức ăn nóng lạnh bạn sẽ thấy răng ê buốt.
Cao răng có thể gây mất răng
Cao răng, viêm lợi, chảy máu chân răng không chỉ khiến bạn cảm thấy bất tiện, mô mềm tổn thương mà còn ảnh hưởng tới thẩm mỹ nụ cười. Hơn nữa chảy máu nướu còn gây ảnh hưởng đến chân răng và xương ổ răng, ê buốt, đau khi ăn nhai, đáng lo hơn là khiến lợi bị tụt, phần chân răng bị lộ ra, khiến răng bị lung lay, dẫn đến mất răng sớm.
Gây 1 số bệnh nguy hiểm
Vi khuẩn trong mảng cao răng cũng là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh ở niêm mạc miệng (viêm niêm mạc miệng, áp-tơ mà dân gian vẫn gọi là bệnh lở miệng), bệnh ở vùng mũi họng (viêm amidan, viêm họng), bệnh tim mạch..
Do những ảnh hưởng này mà các bác sĩ nha khoa khuyến cáo cao răng cần được lấy sạch. Tốt nhất nên kiểm tra các mảng bám răng định kỳ 6 tháng – 1 năm / lần.
Vì sao cần phải lấy cao răng?
Phòng các bệnh lý răng miệng
Lợi ích quan trong mà bạn đạt được khi thường xuyên lấy cao răng là giảm được nguy cơ mắc các chứng bệnh lý răng miệng như viêm nướu, sâu răng, nha chu, áp xe, viêm nhiễm quanh răng…
Loại bỏ cao răng không chỉ giúp bạn tự tin vì có nụ cười khỏe mạnh, lợi hồng hào chắc khỏe mà còn giúp bạn cải thiện sức khỏe tổng quát, nhờ vậy bạn tiết kiệm được kha khá thời gian, tiền bạc.
Vôi răng, nha chu và… mất răng
Nha chu là hiện tượng viêm nướu hay viêm những mô xung quanh răng.
Triệu chứng của bệnh nha chu là viêm nướu, người bệnh bị chảy máu ở chân răng và nướu răng, nướu răng sưng đỏ và đau… lâu dần sẽ hình thành những túi (túi nha chu) bám ở vùng thân răng xung quanh vùng nướu bị viêm. Nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng mưng mủ, tụt nướu, tiêu xương, răng lung lay và cuối cùng là rụng răng.
Nguyên nhân của nha chu là do vôi răng. Vôi răng được hình thành như sau: những mảnh vụn thức ăn còn sót lại trên răng cùng với xác vi khuẩn tạo thành các mảng bám dính trên răng. Những mảng bám này lúc đầu mềm, do tồn tại lâu trong môi trường miệng có nhiều nước miếng trở nên cứng gọi là vôi răng. Vôi răng thường bám ở kẽ răng, cổ răng và dưới nướu răng.
Vôi răng sẽ đóng vai dị vật. Cơ thể chúng ta luôn đào thải các dị vật thông qua việc kích hoạt cơ chế miễn dịch (đây là lý do tại sao những người thay van tim, ghép thận… phải dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời). Vôi răng cũng không là ngoại lệ, nó kích xúc nướu làm khởi phát phản ứng viêm tại chỗ bám ở nướu. Phản ứng viêm này tồn tại dai dẳng đến khi những dị vật này được lấy đi.
Trong môi trường miệng có rất nhiều vi khuẩn (dân số vi khuẩn trong miệng bằng tổng dân số của Đức và Pháp) nên những chỗ viêm do tiếp xúc này bị bội nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn lại làm tình trạng viêm nướu nặng hơn nữa. Các mảng vôi đóng vai trò như một chướng ngại vật che chở các vi khuẩn nên chúng càng gây ra viêm nhiễm tại chỗ nặng nề hơn. Quá trình viêm nhiễm kéo dài đã làm xơ hóa mô nướu dẫn đến hậu quả tụt nướu, răng lung lay và cuối cùng mất răng.
Đáng lưu ý, những triệu chứng sớm của bệnh nha chu (viêm nướu, sưng nướu) thường không quá rầm rộ nên hay bị bỏ qua và chỉ được phát hiện khi bệnh đã đi vào giai đoạn trễ (tụt nướu, răng lung lay), do vậy khả năng bị mất răng khá cao.
Cạo vôi răng, đỡ phải trồng răng
Việc lấy vôi răng là một quy trình tương đối đơn giản nhưng đòi hỏi nhẹ nhàng trong thao tác, tỉ mỉ, nhằm loại bỏ những mảng bám và vết dính trên bề mặt răng. Trước kia lấy vôi răng được thực hiện bằng tay với những bộ dụng cụ chuyên dụng. Ngày nay vôi răng được làm sạch bằng máy siêu âm, độ rung của sóng siêu âm sẽ làm mảng bám bong tróc, ít gây tổn thương vùng nướu viền quanh răng cũng như giảm độ ê buốt.
Sóng siêu âm hoàn toàn vô hại đối với sức khỏe, ngày nay sóng siêu âm được sử dụng khá rộng rãi trong chẩn đoán và điều trị, an toàn ngay cả với bào thai.
Vôi răng không những có trên bề mặt răng mà còn ở xung quanh chân răng, phần nằm dưới nướu. Do vậy, không những cần làm sạch vôi ở thân răng mà cả ở dưới nướu. Lấy vôi dưới nướu là một quy trình tương đối khó, vì vôi bám lâu ngày nên rất cứng. Do phải nạo sâu xuống dưới nướu nên nướu có thể bị đau và ê hơn cạo vôi bình thường (cạo vôi trên nướu).
Lấy cao răng định kỳ là cách tốt nhất để chủ động phòng ngừa bệnh nha chu. Tùy người, tùy cơ địa mà thời gian lấy cao răng khác nhau. Nói chung, thời gian giữa hai lần lấy là khoảng từ từ 3-6 tháng.
Hiệu quả của lấy cao răng, nhất là lấy định kỳ, rất lớn, có vai trò vừa điều trị triệt để vừa dự phòng bệnh nha chu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người chưa coi trọng chuyện này.
Việc lấy cao răng không phải là kỹ thuật khó, có thể tiến hành một cách an toàn ở các phòng khám nha khoa. Tại sao lại tiếc vài giờ và vài trăm ngàn đồng cạo vôi để rồi phải tốn nhiều ngày và nhiều triệu đồng để trồng răng?
Qua những vấn đề nêu trên, chắc hẳn bạn đã biết được lợi ích của lấy cao răng rồi. Hãy nghiêm túc thực hiện nhé.