Niềng răng đang là phương pháp được nhiều người ưa chuộng hiện nay để điều trị răng mọc lệch lạc, sai vị trí, hô, móm… bằng hệ thống mắc cài – dây cung và các khí cụ chỉnh hình cố định và tháo lắp khác gắn trực tiếp lên răng và xương hàm.
Thời gian niềng răng thông thường kéo dài khoảng 18 – 24 tháng. Vậy trong thời gian đó chúng ta cần lưu ý gì, chăm sóc răng niềng như nào? Theo dõi ngay.
Đánh răng đúng cách
– Nên sử dụng bàn chải thông thường chải phía trên và phía dưới của dây cung và mắc cài, mặt trong của răng.
Bàn chải mắc cài: giống bàn chải kẽ răng, để chải sạch xung quanh mắc cài, kẽ răng.
– Phải chải răng sau khi ăn khoảng 15 phút, tránh thức ăn đọng lên mắc cài, dây, kẽ răng. Khi chải, tránh để cán bàn chải chạm vào mắc cài và dây cung, rất dễ bong mắc cài.
– Sử dụng các loại kem đánh răng chuyên dụng có chứa Flour, hoạt chất này giúp bảo vệ và làm răng cứng chắc trong suốt quá trình niềng răng.
– Nên sử dụng kèm tăm nước để vệ sinh thức ăn ở những rãnh mắc cài mà bàn chải khó làm sạch được.
Chải răng sạch cực kỳ quan trọng trong lúc niềng răng, nếu răng không được chải sạch, nguy cơ sâu răng rất cao, đặc biệt là ở các răng cối lớn – những răng mang khâu, rất khó vệ sinh.
Chăm sóc mô mềm
Má, môi, lưỡi trong giai đoạn đầu niềng răng rất dễ bị tổn thương do tiếp xúc với mắc cài, chúng ta có thể sử dụng sáp nha khoa (bác sĩ chỉnh nha sẽ cung cấp) để bôi lên mặt ngoài các mắc cài nơi bị đau, đồng thời vệ sinh sạch thức ăn và chải răng nhẹ nhàng góp phần hạn chế tổn thương.
Ăn uống
Điều được đa số bệnh nhân niềng răng quan tâm.
– Khi niềng răng, chúng ta không nên ăn thức ăn quá cứng, quá dai, kích thước quá lớn. Nên cắt nhỏ thức ăn, nhai đều hai bên, tránh cắn thức ăn bằng răng cửa.
– Tránh dùng răng nhai trực tiếp các thức ăn cứng như xương, nhai đá hoặc những thực phẩm quá nóng, quá lạnh cũng nên hạn chế để không làm mắc cài bị hư hại, gãy, vỡ.
– Một vài ngày đầu tiên sau những lần hẹn tái khám niềng răng, răng có thể ê hoặc đau nhẹ, lúc đó nên ăn thức ăn mềm để tránh đau và khó chịu.
Nói chung, khi niềng răng thì không cần kiêng cữ thức ăn nào cả, chỉ cần cắt nhỏ và nhai cẩn thận là được.
Tái khám định kì
Tái khám định kì là cách tốt nhất để nha sĩ nắm rõ tình hình răng miệng sau khi niềng, đồng thời giải quyết ngay những vấn đề gặp phải. Để đạt hiệu quả điều trị cao, bạn cần tái khám thường xuyên và đều đặn.
Khi niềng răng, thức ăn rất dễ bị mắc lại xung quanh các mắc cài. Điều này sẽ tạo điều kiện cho mảng bám hình thành. Các mảng bám này, nếu không được loại bỏ hoàn toàn, người niềng răng sẽ có nguy cơ bị viêm lợi, sâu răng và hôi miệng, tụt nướu. Các hậu quả trên sẽ gây ra nhiều hệ luỵ, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị niềng răng và kết quả sau cùng.
Bạn hãy tuân thủ những hướng dẫn bác sĩ nha khoa chỉ bảo trong lúc điều trị chỉnh nha, để quãng thời gian niềng răng không trở thành ác mộng và kết quả được hoàn hảo nhé. Như vậy sau 1-2 năm bạn không chỉ có hàm răng đều đặn mà còn sạch sẽ, không sâu răng, nụ cười sau chỉnh nha đúng nghĩa khỏe mạnh và đẹp.