Thực chất nicotin chính là một chất gây nghiện có trong khói thuốc gây hại cho sức khỏe con người.Cùng Nha khoa và đời sống điểm lại những nguy hại của thuốc lá tới sức khỏe tại nội dung bài viết dưới đây nhé.
Thuốc lá điện tử có nicotin không?
Thực chất Nicotin chính là một chất gây nghiện có trong khói thuốc gây hại cho sức khỏe con người. Chính vì thế, kể cả là trong thuốc lá thông thường hay thuốc lá điện tử đều có hàm lượng Nicotin. Tuy nhiên, số lượng và mức độ các chất độc thấp hơn so với thuốc lá truyền thống, dù vậy thuốc lá điện tử vẫn gây nghiện.
Cấu tạo của những điếu thuốc lá điện tử bao gồm 2 thành phần chủ yếu đó là: Đầu lọc chứa Nicotin và chất tạo mùi thơm. Thân điếu thuốc là một bộ chíp có công dụng giúp kích hoạt bộ phận phun hỗn hợp hơi lỏng khi mà người hút có thể hít khói thuốc vào trong cơ thể.
Thuốc lá điện tử không có khói và không có lá thuốc lá, nhưng chúng có Nicotin. Chất lỏng chứa trong “điếu” thuốc lá điện tử thường là hỗn hợp của Nicotin, các chất tạo mùi (như mùi kẹo cao su thổi bóng hoặc mùi dưa hấu), Propylene Glycol (dung môi), và những phụ gia khác.
Những điếu thuốc điện tử nhiều màu sắc, đa dạng mùi thơm, kiểu dáng hiện đại – đặc điểm này, so với thuốc lá truyền thống, khiến thuốc lá điện tử trở nên hấp dẫn các bạn hơn.
Khi bạn sử dụng thuốc lá điện tử thì bộ cảm biến trong điếu thuốc lá này sẽ hoạt động, nó làm lớp đầu của điếu thuốc này nóng lên giúp đốt cháy lượng tinh dầu và tạo ra khói. Khi đó, một lượng nicotine này có thể gây hại khi hít vào, khi ăn hoặc khi hấp thu qua da. Chỉ một liều nhỏ cũng nguy hiểm – chưa đến một thìa canh nicotin lỏng của nhiều loại thuốc lá điện tử trên thị trường cũng đủ giết chết một người lớn, và chỉ một thìa cà phê là đủ giết chết một trẻ em.
Do đó, để không ảnh hưởng đến sức khỏe, tốt nhất hãy tránh xa thuốc lá, kể cả là thuốc lá thông thường hay điện tử, bạn nhé
Mối nguy hại từ thuốc lá?
Hút thuốc lá… phá hoại dạ dày
Bên cạnh việc gây ảnh hưởng đến lá phổi và tim mạch, hút thuốc lá cũng gây nhiều nguy hại cho hệ tiêu hóa của bạn, đặc biệt là dạ dày.
Cụ thể, trong khói thuốc lá chứa hàm lượng chất độc nicotin rất cao, loại chất này đã được chứng minh có khả năng kích thích và phá hủy thần kinh, cơ quan hô hấp và các bộ phận khác trong cơ thể. Ở những người bị viêm loét dạ dày tá tràng thì chất nicotin có trong khói thuốc lá khi được hít vào trong sẽ kích thích sản sinh nhiều chất cortisol – tác nhân gây viêm loét dạ dày tá tràng và làm tăng nguy cơ mắc bệnh nếu như người bệnh có nhiễm vi khuẩn HP.
Bên cạnh đó, thuốc lá còn kích thích niêm mạc dạ dày sản sinh ra chất endothelin làm cho cơ chế tự bảo vệ của niêm mạc dạ dày bị suy yếu. Hút thuốc lá làm giảm lưu lượng máu đến vùng niêm mạc dạ dày và ngăn cản không cho dạ dày bài tiết ra chất nhầy. Do vậy, những đối tượng có hút thuốc lá, đặc biệt là những người hút thuốc lá thường xuyên với số lượng nhiều rất dễ bị viêm loét dạ dày tá tràng.
Đó là cách thuốc lá làm hư lớp nhầy bảo vệ dạ dày, khiến các bệnh lý về dạ dày như viêm, loét, hành tá tràng… phát triển mạnh hơn. Cũng vì thế mà nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao hơn rất nhiều so với những người không hút thuốc.
Hút thuốc lá có thể gây rối loạn vị giác
Vị giác là một trong những nhiệm vụ chính của lưỡi – một bộ phận mềm, không xương nằm trong miệng. Lưỡi có 4 chức năng quan trọng là nếm, nói, nhai và nuốt. Mặt trên của lưỡi có những chồi nhỏ với các nụ nếm rải rác ở giữa các rãnh của lưỡi.
Ngoài việc gây ra những căn bệnh nguy hiểm, hút thuốc lá còn khiến bạn có nguy cơ rối loạn vị giác, mất dần cảm giác ngon miệng.
Rối loạn vị giác có thể tạm thời hoặc vĩnh viễn tùy theo nguyên nhân. Có ba vị trí gây ra rối loạn: Tại các nụ nếm, dây thần kinh chuyển cảm giác nếm lên não hoặc não không nhận biết được vị của hóa chất. Có nhiều hình thức rối loạn vị giác: “Vị giác ma” (phantom taste perception), nếm một vị mà thực ra không có; Giảm vị giác (hypogeusia), thường là tạm thời; Có thể mất vị giác riêng với một vị mặn, ngọt, đắng chua hoặc umami (savory); Không nếm được vị nào cả (ageusia)..
Sau một thời gian hút thuốc, bạn sẽ mất cảm giác nếm vị đắng khi uống cà phê, về lâu dài sẽ làm mất dần cảm nhận trên lưỡi với những món ăn khác.
Thuốc lá – Kẻ thù của bệnh răng miệng
Thuốc lá là kẻ thù số một của các bệnh răng miệng, không những làm tăng nguy cơ mắc bệnh mà còn làm chậm quá trình hồi phục của các bệnh răng miệng.
Mức độ nguy hại đến sức khỏe sẽ tăng lên cùng với số năm hút thuốc lá, số lượng thuốc lá tiêu thụ hàng ngày và lứa tuổi lúc bắt đầu hút thuốc lá càng sớm càng nguy hiểm.
Mối hiểm họa từ thuốc lá có thể khái quát như sau:
– Tạo ra mảng sắc tố màu bám trên bề mặt răng
– Răng nhiều mảng bám màu, lợi xám kém thẩm mỹ
– Viêm tuyến nước bọt vòm miệng; Ung thư miệng
– Hôi miệng, tăng nguy cơ sâu răng
– Tốc độ phục hồi sau khi nhổ răng chậm
– Gây nên các bệnh về nướu răng, tăng nguy cơ mất răng
– Gây khó khăn cho các thao tác cấy ghép nha khoa.
– Số điếu thuốc hút/ngày tỷ lệ thuận với tỷ lệ mắc và mức độ trầm trọng bệnh quanh răng.
Các thành phần nicotin, monoxyd de carbon và acid cyanhydrid có trong thuốc lá có các tác dụng: co mạch ngoại vi, chậm liền thương, rối loạn chức năng các tế bào đa nhân trung tính, giảm đáp ứng miễn dịch, giảm nồng độ oxygen trong mô, mất thăng bằng hệ vi khuẩn miệng, giảm lưu lượng máu trong xương ổ răng, giảm chất lượng xương, giảm nồng độ kháng thể trong nước bọt và máu…
Hầu hết các nghiên cứu đều cho rằng thuốc lá là yếu tố nguy cơ cao cho bệnh viêm quanh răng. Người hút thuốc lá nhiều thường có đáp ứng miễn dịch kém, ít kháng thể trong máu. Hút thuốc lá nhiều có thể gây co lợi, mất bám dính, tiêu xương và cuối cùng là mất răng.
Khi bị mất răng do nguyên nhân nào đó, cấy ghép implant sẽ giúp phục hình hoàn toàn răng bị mất giống như răng thật bao gồm cả thân răng và chân răng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, nếu bạn hút thuốc lá thì đều ảnh hưởng đến chất lượng cấy ghép cũng như thời gian bảo tồn implant.
Tăng huyết áp, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch
Nghiên cứu cho thấy: Hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra bệnh tim mạch và tai biến mạch máu não. Những người hút thuốc lá sẽ có nguy cơ bị đau tim cao gấp 2 lần so với những người không hút.
Chất Nicotin trong khói thuốc lá kích thích hệ thần kinh trung ương tiết ra Adrenaline (một loại hormone) trong cơ thể khiến tim đập nhanh hơn. Điều này khiến cho huyết áp tăng theo và làm tăng gánh nặng cho tim. Việc này giải thích tại sao những người hút thuốc lá thường bị cao huyết áp hơn so với những người bình thường.
Đối với những người hút thuốc, huyết áp có thể sẽ trở lại mức bình thường ở khoảng thời gian giữa những lần hút thuốc, nhưng nếu người đó không dừng hút thuốc thì huyết áp không bao giờ trở về mức bình thường. Người hút thuốc lá nhiều lần trong ngày sẽ khiến cho chỉ số huyết áp trung bình tăng lên. Đáng nói, hút thuốc lá làm tăng huyết áp dao động (huyết áp lên xuống thất thường) rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Trong khói thuốc còn chứa chất Carbon oxyd (CO), chất này làm giảm nồng độ oxy trong máu khiến cho tim phải đập nhanh hơn để cung cấp đủ oxy cho cơ thể.
Các chất độc trong khói thuốc lá phá hủy những động mạch nhỏ của tim. Chất CO trong khói thuốc gây tổn thương cơ tim nặng nề, người hút thuốc cũng khiến cơ thể nhạy cảm hơn với virus dẫn đến viêm cơ tim.
Hút thuốc lá gây ung thư phổi
Theo Cơ quan Nghiên cứu ung thư Quốc tế: Thuốc lá được xếp vào nhóm I (nhóm nguyên nhân chắc chắn gây ung thư trên người trong bảng phân loại các yếu tố gây ung thư.
Thuốc lá được chứng minh là nguyên nhân gây ra 1/3 tổng số các ca ung thư (trong đó chủ yếu là ung thư phổi). Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 20 lần so với người không hút thuốc. Nguy cơ trên tỉ lệ thuận với thời gian hút và số lượng thuốc hút mỗi ngày. Đặc biệt, những người hút thuốc có thói quen “rít” – “ém hơi” càng lâu và sâu thì nguy cơ mắc ung thư phổi càng lớn.
Ngoài ra, hút thuốc lá còn gây ra các bệnh ung thư khác như ung thư miệng, yết hầu, dạ dày, thận, gan, bàng quang, ung thư vú và cả ung thư cổ tử cung.
Lợi ích đối với sức khoẻ khi bỏ thuốc lá: Cơ thể sẽ không còn tích luỹ chất độc, loại trừ nguyên nhân và điều kiện gây các bệnh đã nêu trên. Nếu bỏ thuốc trước tuổi 50 sẽ giảm 50% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch sau khi bỏ thuốc được 1 năm, giảm 50% nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.
Nếu đã nhận thức được những mối nguy hại từ thuốc lá, hãy bỏ thuốc lá càng sớm càng tốt, vì sức khỏe của bản thân và những người xung quanh.