Sâu răng và những vấn đề liên quan

Răng sâu gây ra những cơn đau nhức, khó chịu và thực sự trở thành “kẻ gây rối” trong khoang miệng của bạn. Nếu bạn mong muốn một hàm răng khỏe, không sâu răng thì hãy tìm hiểu ngay về nguyên nhân, các giai đoạn phát triển của răng sâu và các mẹo giảm đau nhức được liệt kê dưới đây.

Tapchi sau rang nang

Sâu răng là gì?

Sâu răng là tình trạng tổn thương, mục ruỗng trong răng, hình thành do một số loại vi khuẩn sản xuất axit phá hủy men răng và lớp bao phủ bên dưới được gọi là ngà răng.

Người Việt Nam nói chung có thói quen dùng bàn chải cứng và chải ngang nên hay bị mòn cổ răng và chân răng làm lộ ngà chân răng, ngà chân răng bị hở rất dễ bị sâu.

Rang sau
Răng sâu nghiêm trọng, xâm lấn vào tủy răng gây đau đớn

Các dấu hiệu & triệu chứng

Các triệu chứng sâu răng bao gồm:

  • Đau răng, hôi miệng
  • Nhạy cảm với đồ ăn, thức uống có vị ngọt, nóng hoặc lạnh
  • Đau khi nhai

Nếu bạn nghi ngờ mình đang bị sâu răng, hãy đến gặp nha sĩ ngay để được thăm khám và chữa sâu răng kịp thời. Tùy vào mức độ nghiêm trọng mà nha sĩ của bạn sẽ áp dụng các biện pháp phù hợp cho bạn.

Sâu răng phát triển như thế nào?

Sâu răng là một quá trình diễn ra từ từ, nếu không được chữa trị kịp thời sẽ phát triển thành một lỗ nhỏ trên răng.

Các lỗ sâu đôi khi nhìn thấy được bằng mắt thường là các chấm màu đen hoặc nâu trên răng, tuy nhiên chỉ có thể thấy rõ nhất khi chụp X quang

Giai đoạn 1: Vi khuẩn thường tồn tại từ 20 – 60 phút trong miệng sau khi ăn kết dính với nước bọt tạo thành mảng bám trên răng. Sau đó kết hợp với tinh bột và đường để sản xuất ra axit ăn mòn các chất vô cơ của men răng hình thành các lỗ sâu răng.

Giai đoạn 2: Các lỗ sâu răng sẽ ăn mòn men răng, đến ngà răng. Răng bị ê buốt khi ăn thức ăn nóng, lạnh, chua, đau khi có thức ăn mắc vào lỗ sâu.

Giai đoạn 3: Lỗ sâu tiếp tục ăn sâu vào ngà răng. Lúc này xuất hiện những cơn đau rất ngắn khi hai hàm cắt chặt, lúc nhai.

Giai đoạn 4:  Khi lỗ sâu ngày một sâu hơn nó sẽ ăn vào lớp bên trong mềm hơn của răng. Nếu nó tiếp tục ăn sâu vào sẽ chạm tới tủy răng, tạo thành những cơn đau dữ dội. Đây là tình trạng sâu răng rất nặng gây nhiều đau đớn và dẫn tới việc mất răng.

Mẹo làm dịu cơn đau răng

Các liệu pháp giảm đau răng tự nhiên tại nhà bao gồm sử dụng nước ấm, muối và dầu đinh hương. Các nha sĩ khuyến cáo những ai bị sâu răng nên chải răng bằng nước ấm để làm sạch tất cả các khu vực trong miệng, kể cả vùng bị đau. Bạn cũng có thể thử súc miệng bằng nước muối ấm bằng cách làm theo các bước sau:

  • Thêm hai muỗng cà phê muối vào một cốc nước ấm.
  • Khuấy cho đến khi muối được hòa tan.
  • Súc miệng kỹ bằng nước muối, sau đó nhổ ra.

Súc miệng bằng nước muối giúp làm sạch các mảnh vụn thức ăn còn sót lại ở lỗ sâu răng và làm dịu cơn đau răng. Không nên súc miệng bằng nước quá nóng hoặc quá lạnh. Nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp có thể làm cho cơn đau răng của bạn thậm chí còn tồi tệ hơn.

Sau rang
Nước muối sẽ loại bỏ vi khuẩn và giúp cho các lỗ sâu săng sạch và bớt đau.

Dầu đinh hương là cũng một giải pháp tạm thời, giúp giảm đau răng hiệu quả.

Bạn hãy thực hiện theo các bước sau:

  • Nhỏ hai hoặc ba giọt dầu đinh hương vào tăm bông, bông gòn hoặc một miếng khăn giấy sạch.
  • Đặt miếng gạc, bông gòn hoặc khăn giấy vào vị trí bị sâu răng và để ở đó cho đến khi cơn đau giảm dần.
  • Nếu dầu đinh hương quá mạnh, hãy sử dụng dầu ô liu để pha loãng nó.
Sau rang
Đinh hương giúp giảm đau răng nhanh chóng

Cơn đau răng có thể tấn công bạn bất cứ lúc nào, ban đêm hoặc ban ngày, các ngày trong tuần hay cả cuối tuần. Khi có thể kiểm soát cơn đau răng tại nhà, bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn cho đến khi bạn có thể đến gặp nha sĩ và có biện pháp điều trị nha khoa phù hợp.

Khi nào bạn cần đến gặp nha sĩ?

Khi cơn đau răng xảy ra, bạn hãy theo dõi tình trạng này trong vòng 24 giờ tới. Nếu cường độ đau thuyên giảm theo thời gian, bạn có thể chỉ rơi vào tình huống kích thích tạm thời. Ngược lại, bạn hãy mau chóng sắp xếp lịch hẹn với nha sĩ nếu như:

  • Cơn đau càng lúc càng trở nên nghiêm trọng hơn
  • Thời gian đau răng kéo dài hai ngày hoặc hơn
  • Bạn cảm thấy đau đầu khi mở miệng
  • Nhiệt độ cơ thể tăng cao
  • Bạn cảm thấy khó khăn khi thở hoặc nuốt

Sâu răng nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến viêm tủy không hồi phục, chết tủy, viêm quanh chóp răng, viêm mô tế bào, viêm tấy sàn miệng hoặc có thể dẫn đến tử vong.

Vì vậy, việc dự phòng và điều trị sâu răng là điều cần thiết. Phương pháp hữu hiệu và đơn giản nhất để phòng sâu răng là ngăn ngừa sự hình thành của mảng bám. Vì mảng bám được tích tụ liên tục nên việc giữ răng sạch mảng bám hàng ngày rất quan trọng

 

 

 

 

Bình luận của bạn

Nha khoa VIET SMILE kênh Zalo Zalo
Gọi ngay cho nha khoa VIET SMILE Gọi ngay

Đăng ký lịch khám