Ngoài răng thì duy trì nướu khỏe mạnh là điều vô cùng quan trọng. Vậy nướu răng là bộ phận nào? cấu tạo cụ thể ra sao. Nướu răng có vai trò gì với hàm răng. Cùng Nha khoa và đời sống tìm câu trả lời chi tiết qua bài viết ngay sau đây.
Nướu răng là bộ phận nào?
Nướu răng là gì? Nướu răng còn được gọi với cái tên khác là lợi, là những mô niêm mạc bao phủ hàm trên và hàm dưới trong khoang miệng. Lợi sẽ bao bọc xung quanh cổ răng và xương ổ răng, giúp giữ kín cổ răng phía dưới. Vị trí của nướu được xác định từ phần cổ răng cho đến đáy hành lang miệng (lằn tiếp hợp niêm mạc di động).Mô nướu khỏe mạnh thường có kết cấu chắc chắn, có màu hồng nhạt hoặc hồng san hô, ôm khít vào cổ răng.
Cấu tạo của nướu gồm 2 phần chính là nướu rời và nướu dính. So với các mô mềm xung quanh phần môi và má, phần lớn các mô nướu đều dính chặt vào khung xương phía dưới. Điều này giúp cho răng và một số cơ quan khác trong khoang miệng chống lại hoặc hạn chế được sự ma sát của thức ăn.
Cấu tạo của nướu răng là gì?
Nướu rời (nướu tự do)
Nướu rời hay còn được gọi là nướu tự do, đây là phần nướu viền áp sát, bao bọc quanh cổ răng nhưng không dính vào răng.Chúng được giới hạn với nướu dính bằng một rãnh nhỏ là rãnh nướu rời.
Chiều rộng của nướu rời là khoảng 1mm và được làm thành vách mềm của khe nướu. Phần khe nướu là một rãnh nhỏ, khá hẹp có hình chữ V, đồng thời cũng là nơi tiếp xúc giữa mặt răng và nướu rời.
Khe nướu có nhiệm vụ tiết ra chất dịch để làm sạch, sát trùng khe nướu. Tuy nhiên, do khe nướu mỏng – dễ tổn thương và không có hiện tượng sừng hóa nên vi khuẩn và độc tố rất dễ xâm nhập, tấn công gây viêm nhiễm
Thông thường, khe nướu có chiều sâu từ 0 đến 3,5mm, có cấu tạo gồm 2 vách, là vách mềm (nướu rời) và vách cứng (bề mặt gốc răng). Vách cứng được xác định là bề mặt gốc răng còn vách mềm được xác định là nướu rời.
Phần nướu giữa 2 kẽ răng được gọi là gai nướu, được xác định là phần nướu hình tháp nằm giữa 2 răng. Nếu không có gai nướu hoặc trường hợp gai nướu quá to có thể hình thành những lỗ hổng trong kẽ răng khiến thức ăn bị bám dính và gây viêm nhiễm. Điều này khiến mảnh vụn thức ăn thừa dễ dàng đọng lại trong kẽ răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển, có thể gây ra tình trạng viêm lợi, viêm nha chu hoặc sâu răng.
Nướu dính
Nướu dính là phần giới hạn từ rãnh nướu cho đến đường tiếp nối của nướu – niêm mạc. Thông thường, nướu dính có bề rộng từ 0,5 – 6mm, đây là phần nướu kế tiếp sau phần nướu rời. Chiều cao của nướu dính nằm trong khoảng 1 -9 mm và có xu hướng tăng theo độ tuổi. Vùng răng cửa sẽ có bề cao nướu dính lớn nhất, giảm dần ở răng nanh và các răng sau.
Trong trường hợp nướu khỏe mạnh, không bị sưng viêm thì phần nướu dính có thể dễ dàng được xác định rõ ràng. Nướu dính sẽ áp vào răng, bám chặt vào xương ổ răng và không di chuyển, không thay đổi vị trí và cấu tạo dưới sức nhai.
Tại bề mặt của nướu dính sau khi thổi khô sẽ có lấm tấm các nốt màu da cam. Đặc điểm này thường thay đổi theo độ tuổi, cũng có người có nốt lấm tấm, người lại không có.
Vai trò nướu răng là gì?
Trong khoang miệng, nướu răng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, trong đó những chức năng chính của nướu phải kể đến như:
- Nhiệm vụ của nướu là nâng đỡ răng, khi nướu khỏe mạnh thì răng mới có thể đứng chắc trên cung hàm. Trong trường hợp mô nướu bị tổn thương, sưng viêm… thì răng cũng sẽ không thể chắc khỏe.
- Nướu nâng cao khả năng bám dính và giữ ổn định cho các răng nằm trong mỏm xương ổ răng.
- Từng chiếc răng riêng lẻ trên một hàm sẽ được liên kết thành cung răng liên tục, đồng nhất nhờ mô nướu
- Duy trì sự liên tục của lớp niêm mạc miệng nhờ vào biểu mô được kết nối bao quanh từng cổ răng và gắn dính với bề mặt răng.
- Tạo thành tuyến ngoại vi vững chắc, chống lại sự tấn công, xâm nhập của các loại vi khuẩn gây hại.
- Là bộ phận cấu thành mô nha chu, do đó khi nướu bị tổn thương sẽ ảnh hưởng tới chức năng của răng, khiến răng không thể đứng vững được nữa.
Nguyên Nhân Gây Ra Các Bệnh Lý Về Nướu
Theo Học viện Nha khoa Nhi khoa Hoa Kỳ (AAPD), Mảng bám vi khuẩn là nguyên nhân chính của bệnh về nướu răng, viêm nha chu. Bởi mô nướu thường phản ứng với mảng bám vi khuẩn với tình trạng viêm, thường xuất hiện khi có một lượng vi khuẩn xâm lấn và tích tụ ở đường viền nướu.
Bên cạnh đó, các yếu tố có thể dẫn đến viêm lợi, tổn thương nha chu bao gồm:
- Tuổi tác, sự căng thẳng, thay đổi về Hormone trong thời kì mang thai
- Thói quen hút thuốc hoặc sử dụng các sản phẩm từ thuốc lá
- Do sử dụng thuốc chữa bệnh, béo phì, tiểu đường…
- Thiếu chất dinh dưỡng
Có một số dấu hiệu và triệu chứng mà bạn có thể nhận thấy hoặc cảm thấy có thể chỉ ra các giai đoạn đầu hoặc giai đoạn nghiêm trọng của bệnh nha chu:
- Nướu tấy đỏ, bị viêm hoặc sưng
- Hơi thở có mùi khó chịu
- Khi ấn vào nướu, mủ có thể chảy ra
- Chảy máu khi chải răng hoặc dùng chỉ nha khoa
- Tụt nướu
- Răng vĩnh viễn bị lung lay hoặc răng bị thưa
- Bất kỳ thay đổi nào đối với khớp cắn tự nhiên của bạn
Hướng dẫn bạn cách chăm sóc nướu khỏe đẹp
Để nụ cười cùng nướu răng luôn khỏe đẹp, tránh được các bệnh lý nguy hiểm, nha sĩ lưu ý bạn nên thực hiện cách chăm sóc răng, ăn uống khoa học, cụ thể như sau:
Chải Răng Đúng Cách 2 lần/ngày
Thay đổi thói quen chăm sóc sức khỏe răng miệng hàng ngày là việc làm đơn giản nhất giúp bạn ngăn ngừa bệnh lý răng miệng, cải thiện hoặc duy trì nướu răng khỏe mạnh.
Bạn nên chải răng ít nhất hai lần một ngày bằng bàn chải có lông mềm mảnh sẽ giúp làm sạch mảng bám, thức ăn thừa. Bạn cần chải mặt nhai, mặt trước, mặt sau của răng, đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ so với đường viền nướu. Di chuyển bàn chải qua lại với lực nhẹ nhàng.
Bên cạnh đó, bạn cũng đừng quên vệ sinh lưỡi thường xuyên để hạn chế tối đa nguy cơ khuẩn bệnh tích tụ trong khoang miệng nhé. Lưu ý để bàn chải ở nơi khô thoáng, cần thay bàn chải khoảng 3 đến 4 tháng một lần, hoặc khi bàn chải bị bai xù. Bạn có thể cân nhắc tới việc sử dụng bàn chải điện, máy tăm nước để có thể chăm sóc nướu và răng triệt để hơn.
Sử dụng kem đánh răng chứa fluor
Chọn loại kem đánh răng cũng là việc rất quan trọng giúp bạn chăm sóc răng hiệu quả, bảo vệ nướu, ngừa sâu răng. Hãy lưu ý chọn loại kem đánh răng có chứa Flour phù hợp. Đối với người lớn, hàm lượng Fluoride cần từ 1.000 – 1.500 ppm, nhưng với trẻ em, lượng Fluoride cần dùng chỉ từ 200 ppm.
Sử Dụng Chỉ Nha Khoa Đúng Cách
Thay vì dùng tăm tre truyền thống bạn hãy sử dụng chỉ nha khoa để loại bỏ mảng bám và mảnh vụn thức ăn bị dính vào kẽ răng – nơi mà bàn chải không thể loại bỏ được. Bạn hãy dùng lực nhẹ nhàng để luồn chỉ nha khoa vào giữa các kẽ răng, di chuyển nó sát vào răng và bên dưới đường viền nướu theo chuyển động lên xuống để làm sạch sâu.
Từ bỏ thói quen hút thuốc lá
Thuốc lá độc hại, gây nhiều bệnh tật thì ai cũng biết nhưng không phải ai cũng hiểu rõ nó ảnh hưởng nhiều thế nào tới răng miệng.
Hút thuốc làm miệng hôi, răng và các ngón tay bị ố nâu vàng, nhiều cao răng. Đặc biệt, ở những người hút thuốc lá quá trình lành vết thương sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều, đặc biệt là các thủ thuật có liên quan tới răng miệng, ví dụ như nhổ răng, cấy ghép implant
Theo nhiều số liệu thống kê, những người nghiện thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh liên quan tới răng miệng cao hơn so với những người bình thường. Thậm chí, nha sĩ còn chi biết tỷ lệ người nghiện thuốc lá bị lung lay, rụng răng sớm tăng cao gấp đôi.
Theo các chuyên gia y tế, bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.
Kiểm tra răng định kỳ
Bên cạnh những phương pháp chăm sóc kể trên, bạn cũng đừng quen kiểm tra sức khỏe răng định kỳ, đừng đợi đến khi bạn cảm thấy đau răng thì mới đi khám. Bạn hay thăm khám và lấy cao răng định kỳ để giúp răng nướu luôn chắc khỏe và phát hiện sớm những vấn đề về răng miệng. Chia sẻ với nha sĩ về sức khỏe răng miệng của bạn; nha sĩ có thể kiểm tra nướu của bạn để xác định các dấu hiệu của nướu không khỏe mạnh và đưa cho bạn phương án điều trị phù hợp nhất.
Hi vọng với những chia sẻ trên đây bạn đã có những kiến thức chung nhất về nướu răng, hiểu được tầm quan trọng của nướu, biết cách để chăm sóc bảo vệ răng nướu tốt hơn. Hãy tiếp tục theo dõi website của Nha khoa và đời sống để cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích nhé.