Chăm sóc sức khỏe răng miệng ngay từ khi còn nhỏ là điều cần thiết. Răng trẻ em cần được bảo vệ từ lúc mới mọc để duy trì được một hàm răng chắc khỏe về lâu dài. Hãy cùng Nha khoa và đời sống cùng điểm qua 1 số lưu ý quan trọng khi thay răng sữa cho trẻ tại bài viết này.
Răng sữa mọc khi nào?
Răng sữa là những chiếc răng đầu tiên của trẻ, bắt đầu mọc khi trẻ được 6 tháng tuổi. Những chiếc răng sữa sẽ mọc lần lượt theo thứ tự đến khi đủ 20 chiếc trong vòng 18 tháng sau đó.
Khi bé mọc răng, ba mẹ cần lưu ý chăm sóc răng cho bé cẩn thận, giai đoạn này trẻ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, răng mới mọc làm bé đau có thể dẫn đến sốt, đi ngoài. Mẹ bé nên nhớ lau sạch nướu sau khi cho trẻ bú hoặc ăn, thường xuyên lau sạch nước miếng bằng khăn mềm ở miệng cho trẻ. Sau khi bú và khi ăn nhớ cho trẻ uống nước lọc để làm sạch miệng.
Khi nào trẻ thay răng sữa?
Khi đến tuổi thay, răng sẽ tự động rụng hoặc lung lay theo một quy luật tương tự nhau, lần lượt từng chiếc. Lúc này, dưới mỗi chân răng sữa sẽ có một mầm răng vĩnh viễn mọc thẳng lên làm tiêu chân răng sữa. Vì vậy, thân răng sữa phía trên sẽ tự rụng ra để nhường chỗ cho răng vĩnh viễn mọc lên.
Đa số các bé sẽ bắt đầu thay răng khi được 5 hay 6 tuổi, tuy nhiên, quá trình thay răng có thể sớm hoặc muộn hơn. Đối với các bé, đây là giai đoạn vô cùng quan trọng.
Các mốc thời điểm thay răng sữa:
- Răng cửa giữa: 5 – 7 tuổi.
- Răng cửa bên: 7 – 8 tuổi.
- Răng hàm sữa thứ nhất: 9 – 10 tuổi.
- Răng nanh sữa: 10 – 11 tuổi.
- Răng hàm sữa thứ hai: 11 – 12 tuổi.
Lưu ý rằng răng vĩnh viễn số 6 (răng cối lớn thứ nhất), mọc lúc 6 tuổi, trước khi hiện tượng thay răng diễn ra. Chiếc răng này sẽ không được thay thế, có nghĩa là không cần phải nhổ chiếc răng sữa nào để răng số 6 mọc lên.
Thông thường,chiếc răng sữa nào mọc trước thì sẽ rụng trước. Và chiếc răng sữa cuối cùng thường sẽ rụng khi bé được 12 hay 13 tuổi.
Lời khuyên để con một hàm răng đẹp
Ba mẹ hãy thường xuyên quan sát răng của trẻ nếu có dấu hiệu bất thường như các vết đen, các lỗ nhỏ xuất hiện trên răng thì cần đưa đến nha sĩ để hàn sớm.
Khi trẻ còn nhỏ chưa thể chải răng được người lớn có thể dùng gạc sạch và nước muối sinh lý vệ sinh lau răng cho trẻ mỗi ngày. Khi trẻ 2 tuổi có thể hướng dẫn cho trẻ cho tập chải răng và hình thành thói quen chăm sóc răng miệng tốt. Tập cho trẻ đánh răng đúng cách không đơn giản, nó đòi hỏi sự kiên trì giám sát của các phụ huynh, ba mẹ hãy khen ngợi khi bé làm tốt để giúp trẻ hào hứng hơn, coi việc đánh răng là niềm yêu thích.
Hạn chế ăn những thực phẩm không tốt cho răng: Kẹo, bánh ngọt, chất đường là những món ăn ưa thích của trẻ nhưng chúng không tốt cho răng. Nên đánh răng hay súc miệng ngay sau khi dùng những thực phẩm này. Hạn chế thói quen ăn vặt, uống nước có gas.
Khi có dấu hiệu răng sữa lung lay ba mẹ không nên tự ý nhổ răng sữa tại nhà cho bé mà cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ để có cách xử trí phù hợp nhất cho từng trẻ, từng vị trí răng. Có nhiều trường hợp răng bị lung lay chuẩn bị thay răng mới mà không được nhổ bỏ kịp thời, làm chân răng vĩnh viễn có thể bị mọc lệch lạc.
Nếu việc thay răng sữa diễn ra trong quá trễ sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình mọc răng vĩnh viễn của bé. Đôi khi răng vĩnh viễn sẽ lách ra hướng khác mọc lên và kết quả là sẽ mọc theo hướng lệch đi, làm xấu về mặt thẩm mỹ cũng như không phát huy được tác dụng ăn nhai của răng.
Để bảo vệ sức khỏe răng miệng cho trẻ, cha mẹ có thể đưa trẻ đến khám răng định kỳ để cho bé làm quen và không còn cảm giác sợ hãi khi đến gặp bác sĩ nha khoa.