Dùng tăm tre xỉa răng để loại bỏ thức ăn thừa bám lại trên răng là thói quen phổ biến của đa số người Việt. Tuy nhiên, ít ai biết được, thói quen tưởng chừng như vô hại này lại tiềm ẩn nhiều mối nguy hại . Đọc ngay 3 mối nguy hại từ thói quen xỉa răng bằng tăm!
3 mối nguy hại từ thói quen xỉa răng bằng tăm
Làm mòn răng và men răng
Khi bạn dùng tăm để lấy các cặn thức ăn thừa trong các kẽ răng, vô tình tăm làm mòn răng và ảnh hưởng tới men răng, kết quả tích tụ từng ngày qua thói quen sử dụng tăm xỉa răng.
Nếu đã dùng tăm trong 1 thời gian dài, bạn sẽ cảm nhận rõ nét sự thay đổi này.
Không làm sạch hiệu quả cặn thức ăn thừa
Bạn sẽ chẳng thể làm sạch hoàn toàn cặn thức ăn thừa trong các kẽ răng bằng tăm xỉa răng, đặc biệt ở những vị trí răng mọc khít, nếu cố gắng, tăm sẽ làm răng nướu bị chảy máu.
Đồng thời, cặn thức ăn không được làm sạch cũng là 1 trong những nguyên nhân gây hôi miệng.
Thưa răng
Tăm xỉa răng không chỉ gây mòn răng, nếu bạn tác động cùng 1 vị trí trên răng trong thời gian dài, tăm còn khiến răng thưa hơn, tạo các lỗ hổng lớn hơn giữa các chân răng, và cặn thức ăn vì thế lại càng có cơ hội mắc kẹt ở răng dễ dàng hơn.
Thói quen này còn làm cho mối liên kết giữa các răng trong hàm lỏng lẻo, bám thức ăn, từ đó dễ gây nên các bệnh về răng miệng, tổn hại đến nướu và chân răng.
Nếu là người thường xuyên sử dụng tăm xỉa răng, hẳn bạn đã ít nhất 1 lần bị chảy máu chân răng do tác động của tăm đến răng nướu. Nó gây đau nhức, ê buốt, và khiến sức khỏe của nướu cũng như chân răng giảm sút.
Nguy cơ các bệnh nướu, răng
Các thức ăn thừa giắt lại trong kẽ răng tạo thành bựa. Lúc này, vi khuẩn sinh trưởng mạnh trong môi trường miệng kết hợp với các chất khoáng lắng đọng trong nước bọt tạo thành vôi răng (cao răng)
Khi bạn dùng tăm loại bỏ những thức ăn còn sót lại, thì những chiếc gai gỗ nhỏ này chọc vào phần lợi mềm sẽ làm rách lợi, gây chảy máu. Khi sự tổn thương xảy ra thường xuyên, nướu và chân răng sẽ yếu hơn, lại càng dễ bị tổn thương hơn. Tình trạng tổn thương, chảy máu chân răng xảy ra thường xuyên là 1 trong những nguyên nhân gây viêm nhiễm răng nướu.
Một khi răng nướu bị viêm, nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng bạn, mà còn tác động đến toàn cơ thể (ăn uống kém ngon miệng, đau nhức, và cả giảm nét thẩm mỹ của răng miệng…).
Cần làm gì để khắc phục?
Với hầu hết người Việt, việc xỉa răng sau khi ăn xong là một thói quen khó bỏ. Tuy vậy, bạn có thể thay đổi dần dần để tránh những nguy hại không đáng có cho sức khỏe răng miệng.
Không chỉ dừng lại ở việc gây nên các bệnh liên quan đến răng miệng, thói quen sử dụng tăm còn mang đến những nguy hiểm không lường trước được. Gần đây đã xảy ra trường hợp anh N.Đ.H (38 tuổi) phải cấp cứu và phẫu thuật để lấy que tăm gỗ có chiều dài 8cm với 2 đầu nhọn đâm sâu vào hành tá tràng.
Năm 2011, bệnh nhân Hoàng Văn Giang đã phải nhập viện trong tình trạng đau, sốt vì vết thương phía sau lưng bị bưng mủ. Sau khi chẩn đoán và tiến hành mổ vết thương, các y bác sĩ của Bệnh viện Đa Khoa tỉnh Đắk Nông đã phát hiện và lấy ra một cây tăm xỉa răng bằng tre nhọn 2 đầu, dài khoảng 8 cm.
Xỉa răng bằng tăm mang đến cho bạn nhiều rắc rối và phiền phức, do đó hãy thay đổi bằng cách sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch vụn thức ăn và mảng bám trên kẽ răng. Không chỉ làm sạch được vụn bẩn, chỉ nha khoa còn giảm thiểu được nguy cơ mắc các bệnh về răng miệng.
Một điều quan trọng mà bạn cần lưu ý đó là nên khám sức khỏe răng miệng theo định kì 6 tháng/ lần để kịp thời phát hiện những triệu chứng bất thường, từ đó có phương pháp chữa trị kịp thời.
Một hàm răng khỏe mạnh không những làm nụ cười thêm rạng rỡ mà còn giúp bạn nhai kỹ thức ăn và tiêu hóa tốt hơn. Vì vậy bảo vệ hàm răng là việc rất quan trọng. Bên cạnh việc chú trọng việc chăm sóc, vệ sinh răng, chúng ta nên loại bỏ thói quen xỉa răng để tránh làm tổn thương lợi.
Qua những thông tin trên, hi vọng bạn sẽ thay đổi được thói quen lấy tăm xỉa răng thường xuyên để tránh gây ảnh hưởng đến bản thân nhé.