Viêm nha chu là một bệnh răng miệng thường gặp, tuy nhiên không phải ai cũng biết rõ dấu hiệu cũng như mức độ nghiêm trọng của nó. Dưới đây là những thông tin cơ bản nhất để bạn tham khảo và chủ động hơn trong hành trình chăm sóc sức khỏe răng miệng của mình và gia đình.
Tổng quan về bệnh viêm nha chu
Nha chu là tổ chức xung quanh răng có chức năng chống đỡ, lưu giữ răng trong xương. Một răng lành mạnh thường được giữ trong xương hàm bởi: xương ổ răng, dây chằng và nướu răng. Nướu ôm sát lấy răng để che chở các mô dễ nhạy cảm bên dưới ngăn ngừa không cho vi khuẩn xâm nhập làm hại răng. Nướu tốt là nền tảng cho hàm răng tốt.
Viêm nha chu là tình trạng các mô nha chu bị viêm nhiễm, tổn thương. Viêm nha chu tiến triển theo theo 2 giai đoạn đó là viêm nướu răng và viêm nha chu. Trong đó, viêm lợi là giai đoạn đầu, sẽ có các biểu hiện như nướu răng bị sưng đỏ, mềm, dễ bị chảy máu… Do tình trạng bệnh diễn ra âm thầm, thường chỉ gây đau nhức khó chịu ít, mức độ nhẹ có thể tự hết nên rất ít người lưu ý tới.
Khi bệnh viêm nướu răng nặng hơn sẽ chuyển sang giai đoạn viêm nha chu. Lúc này, nướu không còn khả năng bám vào chân răng, tạo cơ hội để vi khuẩn xâm nhập, phát triển, phá huỷ xương ổ răng, hình thành các túi nha chu. Biểu hiện cụ thể là tình trạng bệnh diễn biến theo hướng xấu đi, biểu hiện tụt lợi, răng bị lung lay, tiêu xương ổ răng… và cần có biện pháp khắc phục càng sớm càng tốt để bảo tồn răng thật.
Nguyên nhân gây bệnh viêm nha chu
Nguyên nhân chính của bệnh nha chu là do tình trạng vệ sinh răng miệng kém tạo điều kiện cho các mảng bám vi khuẩn tồn đọng trên răng-lợi (nướu) lâu ngày sẽ gây viêm nướu răng.
Theo thời gian, mảng bám răng bị vôi hóa (cứng dần) thành vôi răng (còn gọi là cao răng). Khi ấy nướu sẽ bị viêm nặng hơn, bệnh chuyển sang giai đoạn viêm nha chu.
Viêm nha chu lâu ngày có thể gây ra đau nhức dữ dội, hôi miệng, khiến người bệnh mất tự tin trong giao tiếp, ảnh hưởng đến công việc cũng như cuộc sống.
Dấu hiệu nhận biết viêm nha chu
Biểu hiện của bệnh nha chu được tóm tắt bằng những dấu hiệu sau:
+ Lợi sưng đỏ dễ chảy máu
+ Vôi răng đóng ở cổ răng
+ Ấn vào nướu thấy mủ chảy ra
+ Miệng có mùi hôi nặng,
+ Chân răng suy yếu, răng lung lay
+ Nướu bị tụt, làm cho chân răng trông dài hơn bình thường
+ Răng bị di lệch làm cho các răng bị thưa ra.
+ Đau khi nhai nên người bệnh chọn phía bên không đau để nhai thức ăn
+ Tiêu xương ổ răng là dấu hiệu nghiêm trọng bậc nhất, báo hiệu nguy cơ mất răng rất ca
Điều trị bệnh viêm nha chu
Bệnh viêm nha chu có thể được phát hiện sớm trong những lần đi khám nha khoa định kỳ. Bên cạnh đó, khi có bất kỳ biểu hiện nào của bệnh viêm nha chu, bạn nên đến ngay các cơ sở nha khoa uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Phương pháp điều trị viêm nha chu phụ thuộc vào giai đoạn và mức độ nghiêm trọng của bệnh nha chu
- Ở mức độ nhẹ: Nếu viêm nha chu được phát hiện sớm khi còn ở giai đoạn viêm nướu, và chưa ảnh hưởng đến cấu trúc nâng đỡ dưới răng. Nha sĩ sẽ thực hiện loại bỏ mảng bám, cao răng trên răng đồng thời hướng dẫn phương pháp chăm sóc răng miệng tại nhà cho bạn.
- Ở mức độ viêm nha chu phát triển: Nếu bệnh đã hình thành các túi nha chu, nha sĩ sẽ tiến hành các giải pháp giúp ngăn chặn bệnh diễn tiến nặng như: trám tủy, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập và phá hủy chân răng cũng như tủy răng, giúp bảo tồn răng.
- Giai đoạn viêm nha chu nặng: Đây là giai đoạn bệnh có những biểu hiện nặng như răng lung lay, răng xô lệch, bị thưa. Nếu không thể bảo tồn răng được nữa,bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng, tư vấn và tiến hành phục hình răng đã mất bằng phương pháp cấy ghép implant hoặc làm cầu răng sứ để tránh ảnh hưởng đến những răng xung quanh
Viêm nha chu có phòng ngừa được không?
Nguyên nhân gây bệnh nha chu chủ yếu là do vi khuẩn gây nên. Do đó muốn phòng tránh bệnh nha chu cũng cần biện pháp vệ sinh răng miệng đúng cách để ngăn chặn vi khuẩn tấn công:
- Thực hiện chải răng đều đặn ít nhất 2 lần mỗi ngày. Bạn nên thay bàn chải sau 3-4 tháng;
- Nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng, súc miệng hàng ngày với nước muối ấm pha loãng hay nước súc miệng
- Luôn dùng bàn chải lông mềm, chải răng theo chiều dọc, nghiêng bàn chải để lấy sạch mảng bám trên kẽ răng
- Chế độ ăn tăng cường nhiều các loại trái cây tươi, rau xanh, tránh đồ quá ngọt hoặc quá chua
- Khám răng định kỳ 6 tháng/ lần để lấy cao răng và điều trị sớm khi có dấu hiệu bệnh nha chu.